KINH TẾ NỬA CUỐI NĂM VẪN KHÓ LƯỜNG

21/Th10/2022

KINH TẾ NỬA CUỐI NĂM VẪN KHÓ LƯỜNG

Gần nửa chặng đường kinh tế của năm 2014 đã trôi qua, kinh tế Việt Nam dù có cải thiện song vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo. Đặc biệt, những biến động của tình hình kinh tế chính trị trong tháng 5 đã và đang dấy lên những quan ngại trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của cả năm 2014.

Cải thiện sản xuất còn hạn chế

Đánh giá về nền kinh tế tháng 5-2014, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Trong tháng 5, sản xuất tiếp tục xu hướng cải thiện thông qua Chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu của DN niêm yết và chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Tuy nhiên, mức cải thiện sản xuất còn hạn chế nếu căn cứ vào tình hình hoạt động của DN. Tính từ đầu năm đến 20-5-2014, số DN thành lập mới chỉ tăng 0,7% so với cùng kì, trong khi số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng 20,5% so với cùng kì. Theo cơ quan này, nguyên nhân khiến cải thiện sản xuất còn hạn chế là do tổng cầu yếu, đầu tư trong nước chậm cải thiện và tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5-2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng: Trong tháng 5 tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định theo chiều hướng tốt. Lạm phát thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Về phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, công nghiệp phát triển khá cao; nông nghiệp cũng có chiều hướng phát triển tích cực; XK tăng; dự trữ ngoại tệ tăng; dịch vụ, nhất là du lịch cũng tăng… dù con số không phải cao lắm, chưa có gì đột biến nhưng chứng tỏ đã phục hồi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cũng nêu các hạn chế là tổng cầu tiếp tục thấp, tín dụng chưa khởi sắc dù có cố gắng, nợ xấu chưa giải quyết được đúng theo tiến độ… Riêng số DN giải thể, phá sản không nhiều bằng thành lập mới nhưng con số còn rất lớn.

KINH TẾ NỬA CUỐI NĂM VẪN KHÓ LƯỜNGTrong “Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN năm 2014” ngày 6-6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết DN đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển hơn trong năm 2014 và dự báo một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 đều cao hơn năm 2013 (đặc biệt là các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và kim ngạch XK). Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn, đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng tăng giúp các DN lạc quan hơn, đầu tư hơn và kỳ vọng sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trong năm 2014 và các năm tiếp theo”.

Doanh nghiệp còn thận trọng

Dù DN đã lạc quan hơn, nhưng theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ DN đầu tư mở rộng quy mô về lao động, vốn năm 2014 so với năm 2013 vẫn còn thấp (mặc dù dự kiến 2014 so với 2013 vẫn cao hơn 2013 so 2012). Điều này cho thấy mặc dù lạc quan về triển vọng phát triển, nhưng các DN vẫn rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro.

Các DN đánh giá chung nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013 nhưng tỉ lệ DN lạc quan về thị trường trong nước chưa cao, chỉ với 34,8%. Vẫn còn 16,2% số DN cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn 2013. Ngoài ra, thời điểm hiện nay vẫn còn đến 50,5% số DN không vay vốn cho sản xuất kinh doanh, cộng với tỉ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 đạt thấp. Do vậy, Tổng cục Thống kê thấy rằng, các DN Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.

KINH TẾ NỬA CUỐI NĂM VẪN KHÓ LƯỜNG

Bà Nguyễn Huyền Dịu, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết: Hiện nay lãi suất đã về mức năm 2005-2006. Thế nhưng, trong 5 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng không bằng cùng kì năm 2013, chỉ đạt 1,31% (cùng kì năm 2013 là trên 3%). Khi chúng tôi đi khảo sát tình hình, các DN không kêu về lãi suất nữa mà chủ yếu họ kêu về đầu ra. Cái gốc của tín dụng tăng thấp là do tổng cầu thấp. Ngân hàng thương mại đang khó khăn tìm đầu ra cho dòng vốn, “đốt đuốc đỏ mắt” chưa tìm ra DN có tình hình tài chính lành mạnh.

Tăng trưởng có thể không đạt mục tiêu

Tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 vừa được công bố, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: Cũng tương tự như năm 2013, năm 2014 tiếp tục có thêm dự địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, song các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất. DN tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt trong năm 2014 xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước NK ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng, đồng thời là nhà XK ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả… nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Hai kịch bản dự báo được VEPR xây dựng cho thấy tăng trưởng của năm 2014 có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013 do chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ kinh tế-chính trị với Trung Quốc. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88% (theo giá cố định năm 2010). Lạm phát của cả năm 2014 được dự báo tiếp tục hạ thấp hơn so với năm trước, tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%. Do đó theo VEPR, một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh DN và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô. Trong đó ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.

 >>> Xem thêm: